Địa chỉ:
Khu CN Đồng Văn 4 - Nhật Tân - Kim Bảng - Hà Nam
Hotline:
0355.607.708 / 0912.115.225
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Tầm nhìn cảnh quan trong quy hoạch đô thị hướng đến công bằng: Tiếp cận cảnh quan – Phúc lợi cư dân

Đô thị xuất hiện với quy hoạch không gian, ưu tiên cho các vấn đề liên quan đến quá trình chuyển đổi cải tạo hoặc hiệu suất năng lượng cho các tòa nhà, các vấn đề về sinh thái, môi trường, năng lượng… yếu tố cảnh quan thiên nhiên thường lại không được bàn luận hoặc chú trọng trong các chính sách và dự án quy hoạch đô thị. Hơn nữa, cảnh quan tự nhiên cũng đang chịu sự tác động mạnh mẽ của sự mở rộng và của “sự chiếm đóng” nhằm mục đích tư nhân hóa lãnh thổ với các không gian khép kín, che chắn tầm nhìn, dẫn đến hình thành sự bất bình đẳng tiếp cận chúng của cộng đồng dân cư trong đô thị.

Tình trạng thường gặp là sự bất mãn của cộng đồng dân cư đô thị cận biển, cận sông về sự xuất hiện hàng loạt khách sạn cao tầng, khu nghỉ dưỡng che khuất tầm nhìn, ánh sáng và tư nhân hóa không gian tận hưởng tài nguyên cảnh quan chung… Vấn đề này phổ biến tại hầu hết các đô thị, đặc biệt là các đô thị gắn với các khu vực cảnh quan hấp dẫn mặt nước, bờ sông, bờ biển, ven núi. Sự hấp dẫn cảnh quan thiên nhiên liên quan đến độ mở của thị giác (phạm vi nhìn đối với cảnh vật) là nhân tố chính ảnh hưởng lớn đến sự hài lòng của cư dân – “Đánh giá thị giác theo kinh nghiệm” (Saburo và cộng sự, 1994; Hidetoshi và cộng sự, 1995; Kfir, 2001; Yoshiyuki và cộng sự, 1997). Sự hấp dẫn này dẫn đến sự cạnh tranh về đất đai, nhà ở mạnh mẽ và tăng giá trị bất động sản.

Giá trị bất động sản cao sẽ dễ dàng được xác định bởi con người sẵn sàng chi khoảng phí cao hơn cho toà nhà, khu đất sở hữu với tầm nhìn mở, ưa thích dẫn đến sự hình thành nhanh chóng các công trình phục vụ du lịch, khách sạn cao tầng, khu nghỉ dưỡng… Điều này dẫn đến sự phá vỡ, đảo lộn cảnh quan, xung đột về sử dụng đất, xung đột giữa chính quyền và người dân, sự không đồng thuận của cộng đồng dân cư khi khi lợi ích cộng đồng không được chú trọng: Lợi ích về quyền tiếp cận, quyền nhìn ra các cảnh quan thiên nhiên – tài nguyên cảnh quan… Những vấn đề này đặt ra câu hỏi về quy hoạch sử dụng đất và chia sẻ cảnh quan: Tầm nhìn bị cản trở bởi tác nhân chủ đích trong xây dựng, chúng ta có thể ngăn chặn bằng pháp lý? Có thể kiện tụng cho “quyền nhìn, quyền tận hưởng tài sản cảnh quan chung”? Các chính sách quy hoạch hay văn bản pháp lý đã đề cập đến quyền này?…

Thực tế trong các văn bản quy định xây dựng mỗi quốc gia đều ban hành quy định về chiều cao xây dựng, quy hoạch: Bao gồm quy định giới hạn chiều cao hàng rào, quy định trồng cây, quy định phân vùng để kiểm soát quy mô, vị trí và việc sử dụng các tòa nhà, quy định về khoảng lùi, mật độ xây dựng. Ở cấp độ quốc gia, tại các địa phương, chính quyền đô thị ven mặt nước, điển hình như TP biển Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Nẵng… đang có sự nỗ lực rất lớn, hành động quyết liệt để xem xét hình thành các không gian công cộng bờ biển, thu hồi không gian cảnh quan thiên nhiên đã bị chiếm dụng. Năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định thu hồi khu Resort Ana Mandara, nằm trải dài trên đường Trần Phú, sau nhiều năm hoạt động. UBND TP Phan Thiết và TP Đà Nẵng đã và đang xây dựng các quy chế quản lý không gian tiếp cận biển. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có Quyết định số 528/QĐ phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 để lập lại trật tự không gian biển. Ở cấp độ quốc tế, một nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy khái niệm bền vững về môi trường đã hình thành từ sớm, quy trình quản lý bờ biển trong Khung quản lý tích hợp vùng mặt nước, ven biển-Integrated Coastal Zone Management (ICZM) 1992, việc thực hiện đã được khởi xướng ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, bất chấp nhận thức về sự cần thiết phải lập kế hoạch và quản lý môi trường và không gian ven biển, cả ở cấp độ quốc gia và của các vùng lãnh thổ địa phương, cảnh quan bờ biển vẫn phải chịu nhiều áp lực của đô thị và bị biến đổi bởi các điều chỉnh chính sách quy hoạch và xây dựng.

Tuyến đường Võ Nguyên Giáp là tuyến không gian công cộng ven biển lớn nhất của thành phố Đà Nẵng. Nguồn: Linh Lê
 

Đánh giá tầm nhìn cảnh quan cho việc lập kế hoạch phát triển đô thị

Phải nhìn nhận rằng cảnh quan thiên nhiên không chỉ là một khái niệm về tiện ích công cộng, mà nó còn có vai trò trong việc thực hiện các giá trị của phát triển bền vững. Tầm nhìn cảnh quan, hay nói cách khác là độ mở không gian ra cảnh quan thực sự ảnh hưởng đến chất lượng môi trường trong đô thị – Đây thực sự là yếu tố quan trọng trong việc lập các văn bản, quy định quy hoạch, định hướng phát triển. Tuy nhiên, để đánh giá khách quan định lượng, chất lượng lãnh thổ cảnh quan nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống trong các khu dân cư và hỗ trợ quy hoạch đô thị thì cần có phương pháp đo lường với các mô phỏng, bản đồ được sử dụng làm công cụ để đánh giá, phân tích kết quả trong hình học đô thị, từ đó cung cấp hỗ trợ công việc của các KTS và nhà thiết kế đô thị, bằng cách cho phép họ tham khảo các khía cạnh này. Phương pháp kỹ thuật được đề xuất là Isovist Space syntax, một công cụ lập bản đồ và mô tả đặc điểm của cảnh quan có thể nhìn thấy trên một lãnh thổ, là phương pháp mô phỏng và đo lường về phạm vi nhìn của không gian kiến trúc và đô thị, phân tích các điểm có thể nhìn thấy từ một vị trí nhất định trong không gian và liên quan đến một môi trường. Đó là một cách tiếp cận trong việc mô tả không gian từ điểm quan sát của một người trong một không gian.

Đo lường tầm nhìn cảnh quan thông qua mô phỏng không gian của môi trường đô thị

Thuật ngữ Cú pháp Không gian – Space syntax được đề xuất bởi GS Bill Hillier và những người khác của Đại học Bartlett London vào những năm 1970, và nó là một phương pháp phân tích toán học trạng thái của không gian, tính toán từ các bộ dữ liệu đầu vào: Một lớp chướng ngại vật, địa hình đại diện cho các yếu tố cảnh quan dọc; một lớp điểm mô phỏng vị trí của người quan sát.

Toàn cảnh khách sạn cao tầng, khu nghỉ dưỡng đang chắn biển nhìn từ trên cao. Ảnh: Bùi An
 

Quy trình để mô phỏng độ mở cảnh quan bao gồm các bước:

  • Thu thập dữ liệu để tạo các lớp quan sát đại diện cho các vị trí mà từ đó con người có thể cảm nhận được cảnh quan. Ba hình thức lấy mẫu bao gồm lấy mẫu điểm quan sát riêng lẻ, lấy mẫu điểm chuỗi và lấy mẫu điểm lưới và được xác định trước bởi KTS, các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch, các nhà nghiên cứu hoặc lựa chọn ngẫu nhiên;
  • Xác định không gian vật lý bao gồm tính toán không gian nhìn thấy hợp nhất với dữ liệu địa hình với các lớp đồng mức, hay chiều cao các tòa nhà;
  • Xác định các hạn chế trường nhìn. Góc nhìn và phạm vi nhìn tối đa thay đổi theo hoạt động, tốc độ chuyển động. Các thông số này được thêm vào mô hình để tăng độ chính xác của các phép đo tầm nhìn ra cảnh quan.

Isovist trong Space syntax được sử dụng để tính toán độ mở không gian được coi là một mô hình trực quan khả thi, hữu ích. Việc sử dụng các công cụ kỹ thuật mô phỏng, định lượng có thể là giúp các nhà hoạch định chính sách nhận thức được môi trường đô thị để cải thiện thiết kế của chúng, đồng thời hiểu được sự phụ thuộc và tương tác lẫn nhau của các yếu tố. Phương pháp kỹ thuật này là một công cụ hữu dụng vì tính rõ ràng của nó, giúp các chuyên gia có thể diễn giải các kết quả bằng định lượng. Độ mở cảnh quan được đo là cơ sở có thể sử dụng để giao tiếp sự cởi mở của cảnh quan với các bên liên quan vì nó dựa trên một khái niệm đơn giản và rõ ràng. Tính khả thi và tính ứng dụng của quy trình, cho phép lựa chọn các phương thức nhận thức khác nhau và các thông số cho những hạn chế về thị giác. Sự mở và đóng thị giác trong môi trường đô thị là những thuộc tính quan trọng trong nhận thức về không gian thị giác. Đo lường độ mở trực quan trong các khu vực đô thị bao gồm cảnh quan thiên nhiên dẫn đến cách tiếp cận chính xác, đáng tin cậy và có hệ thống hơn để quản lý và kiểm soát chất lượng.

Thay lời kết

Tỉ lệ phạm vi nhìn và độ mở thị giác của người quan sát trong môi trường đô thị. Ảnh : Ata Tara
 

Cảnh quan thiên nhiên thực sự là nhân tố định hình môi trường sống của con người, phát triển theo thời gian và là sự phản ánh chân thực của thời đại, xã hội và lối sống. Chúng là một lợi ích sinh thái duy nhất, là một công trình xã hội và một nền văn hóa, và là một ký ức có thể tạo cảm xúc và mang lại những ký ức, nó dẫn đến cảm giác hạnh phúc, hài lòng hoặc trái ngược. Do đó, không thể phủ nhận chúng cần một ưu tiên trong sự phát triển bền vững của các TP. Cảnh quan được coi là một vấn đề của nhận thức, được hình thành và tạo ra bởi mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên. Việc xem xét các cảnh quan thiên nhiên có thể được quản lý chung và có thể được xem là một lợi ích thuộc về người dân, mà nó có thể được tuyên bố là một quyền, có thể góp phần giải quyết các xung đột xã hội và định hướng phát triển và bảo tồn môi trường tự nhiên ở các thành phố từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và sự hấp dẫn của lãnh thổ, tạo phúc lợi công bằng cho mọi người dân. Trên hết, sự gắn kết của cư dân địa phương với lãnh thổ bao gồm cảnh quan thiên nhiên đòi hỏi phải được thiết lập thông qua đối thoại, tham khảo ý kiến, trao đổi trong các dự án, chính sách quy hoạch xây dựng của địa phương.

LIÊN HỆ
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ CẢNH QUAN ANH THƯ
Địa chỉ: Khu CN Đồng Văn 4 - Nhật Tân - Kim Bảng - Hà Nam
Hotline / Zalo: 0355.607.708 - 0912.115.225
Website: anhthulandscape.vn
 
icon_dau_trang
BẢN ĐỒ
FACEBOOK
Website is designed at tnweb.vn